Tìm kiếm tin tức
 
ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN; QUÁ TRÌNH TỤ CƯ, THÀNH LẬP PHƯỜNG PHÚ NHUẬN
Ngày cập nhật 15/03/2023

Phú Nhuận có vị trí địa lý nằm ở bờ Nam sông Hương, là một phường thuộc trung tâm thành phố, được thành lập trên cơ sở chia tách từ phường Vĩnh Lợi thành 2 phường đó là phường Phú Nhuận và phường Phú Hội theo Nghị định 80/NĐ-CP ngày 22 -11-1995 của Chính phủ. Ranh giới hành chính của phường Phú Nhuận được xác định như sau:

 

- Phía Bắc giáp sông Hương
        - Phía Đông giáp phường Phú Hội
        - Phía Nam giáp sông An Cựu
        - Phía Tây giáp phường Vĩnh Ninh

- Có tổng diện tích: 74,22 ha.

- Dân số: 10.501 người gồm 2.224 hộ gia đình.

Phường chia thành 4 khu vực, 8 tổ dân phố, trong đó:

- Khu vực 1: tổ dân phố 1, 2

- Khu vực 2: tổ dân phố 3, 4

- Khu vực 3: tổ dân phố 5, 6

- Khu vực 4: tổ dân phố 7, 8

Về đất đai, phường Phú Nhuận là phường thuộc trung tâm thành phố, nên có địa hình bằng phẳng, hầu hết là đất phi nông nghiệp với 73,70 ha chiếm 99,29%, đất nông nghiệp chỉ có 0,52 ha chiếm 0,71% diện tích đất tự nhiên của phường.

Về khí hậu, Phú Nhuận nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa và chịu ảnh hưởng của gió mùa hè Tây Nam (đỉnh điểm vào tháng 7-8), đến lúc chuyển tiếp hè sang đông (tháng 9-11) thường phát sinh hiện tượng giao hội gió mùa Đông Bắc với các nhiễu động nhiệt đới (hội tụ nhiệt đới, áp suất nhiệt đới, bão), chia làm hai mùa: Mùa mưa và mùa khô, mùa khô kéo dài từ tháng 3 đến tháng 8, nhiệt độ trung bình 240C đến 290C, các tháng nóng nhất tháng 6, 7, khi có gió mùa Tây Nam khô nóng nhiệt độ cao nhất có thể lên tới 400C – 410C. Mùa mưa kéo dài từ tháng 9 đến tháng 02 năm sau, có rét lạnh, nhiệt độ trung bình vào tầm 180C – 210C, lúc thấp nhất đạt 90C-120C. Lượng mưa trung bình trên năm đều vượt quá 2.600mm, tập trung chủ yếu vào tháng 10, 11, 12(1).

Về giao thông, trên địa bàn Phú Nhuận có trục lộ giao thông chính đi qua là quốc lộ 1A. Có những tuyến đường lớn, nổi tiếng của Huế như Hà Nội, Hùng Vương, Nguyễn Huệ, Đống Đa…Phú Nhuận là trung tâm của phía Nam thành phố, nơi có nhiểu trường học từ Mầm non đến Đại học, cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương đóng trên địa bàn và cũng là nơi có nhiều cơ sở tôn giáo, các công ty, doanh nghiệp hoạt động.

II. QUÁ TRÌNH TỤ CƯ, THÀNH LẬP PHƯỜNG PHÚ NHUẬN

1. Đặc điểm lịch sử và sự thay đổi tên gọi, địa giới hành chính phường Phú Nhuận

1.1. Đặc điểm lịch sử và sự thành lập làng xã

Theo sử cổ chép lại, thời kỳ hình thành Nhà nước Văn Lang - Âu Lạc, Thừa Thiên Huế là một vùng đất của bộ Việt Thường, đến đầu thời kỳ Bắc thuộc, vùng đất này thuộc Tượng Quận (Nhà Tần). Năm 116 trước công nguyên, quận Nhật Nam ra đời thay thế cho Tượng Quận. Sau chiến thắng Bạch Đằng lịch sử của Ngô Quyền (năm 938), Đại Việt giành được độc lập. Trải qua nhiều thế kỷ phát triển, Thừa Thiên Huế trở thành địa bàn giao thoa giữa văn hóa Việt và văn hóa Chăm. Được xem là vùng đất ở cực nam của nhà nước Đại Việt, Huế cũng như bao vùng miền ở Nam Trung bộ và Nam bộ được hình thành qua các cuộc Nam tiến của dân tộc dưới các triều đại Lý, Trần, Hồ, Lê và đặc biệt là dưới thời chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn. Trong lịch sử Việt Nam, việc mở rộng lãnh thổ về phía Nam được bắt đầu từ năm 1069 dưới thời Lý. Kết quả là ba Châu: Bố Chánh, Địa Lý, Ma Linh được thành lập(1). Đặc biệt, cột mốc quan trọng đánh dấu bước tiến trong việc xác lập lãnh thổ của Đại Việt ở phương Nam là cuộc hôn nhân giữa Chế Mân - vua Chiêm Thành và công chúa Huyền Trân dưới thời nhà Trần vào năm 1306, hai châu Ô, Lý trở về với Đại Việt. Đến năm 1307, vua Trần Anh Tông sai Đoàn Nhữ Hài đến cai quản vùng đất đó và đổi châu Ô, châu Lý thành châu Thuận, châu Hóa. Theo sách Đại Nam nhất thống chí thì Châu Thuận nay là Quảng Trị, châu Hóa nay là Thừa Thiên và Điện Bàn thuộc Quảng Nam. Bước chân mở cõi về phía Nam tiếp tục được các triều đại sau tiến hành một cách có hệ thống như dưới thời nhà Hồ, Lê. Qúa trình Nam tiến đó, các triều đại phong kiến Việt Nam đã chú trọng vấn đề di dân lập ấp và thành lập các làng xã trên vùng đất mới.

Phường Phú Nhuận trước khi thành lập thị xã Huế, là đất của làng Dương Phẩm và một phần đất của làng Dương Xuân.

Làng Dương Phẩm

Làng Dương Phẩm không rõ ra đời từ bao giờ. Sách Ô châu cận lục có kê vào danh sách tên xã 陽 侶 Dương Lữ thuộc huyện Kim Trà, phải chăng chính là Dương Phẩm? Sách Phủ biên tạp lục thì xếp làng Dương Phẩm vào tổng Kim Long, huyện Hương Trà.

Theo địa bạ thời Gia Long, làng Dương Phẩm đông giáp hai xã Phú Xuân, An Cựu, tây giáp hai xã Phú Xuân, Dương Xuân, diện tích 126 mẫu 3 sào 3 thước 3 tấc 5 phân; đối chiếu với hiện nay, làng gồm hai bộ phận, bộ phận chính ở khu vực bờ bắc sông Lợi Nông, giới hạn bởi các đường Hùng Vương, Phan Đình Phùng, Lý Thường Kiệt và Nguyễn Huệ; bộ phận phụ ở Cống Bạc; Dương Phẩm Thượng phường lên phía Ngã Ba Tuần (Bằng Lãng) có thể tách ra từ làng Dương Phẩm từ  thời chúa Nguyễn trước năm 1776(1), theo địa bạ  Gia Long thứ 9 đến 18, làng có diện tích 46 mẫu 7 sào 2 thước 7 tấc. Trong thế kỉ XIX, triều Nguyễn cắt đất phân phong cho các ông hoàng bà chúa lập phủ dọc theo sông Lợi Nông (như phủ Tùng Thiện vương, phủ Ngọc Lâm công chúa, phủ An Định (sang thế kỉ XX cải tạo thành cung), bấy giờ, dân cư gốc không còn ai. Sau khi làng Dương Phẩm bị xóa tên, lãnh thổ nhập với các thôn ấp khác để thiết lập phường Đệ Bát đầu thế kỉ XX, văn bản hồ sơ đều thất tán hết... Cũng từ đó, vùng đất ruộng dần dần trở thành khu dân cư, sinh hoạt đô thị thay hẳn sinh hoạt nông thôn. Phường Đệ Bát lại được chia làm hai phường Phú Hội, Phú Nhuận, rồi nhập làm Quận Ba, sau 1975 lấy tên Vĩnh Lợi, và từ năm 1995 phục hồi hai phường Phú Hội, Phú Nhuận. Làng Dương Phẩm là nửa phần phía nam của phường Phú Nhuận. Di tích làng Dương Phẩm nay chỉ còn lại ngôi đình đổ nát và bức bình phong bên bờ sông An Cựu.

Làng Dương Xuân

Dương Xuân là một trong những làng cổ nhất ở phía nam sông Hương, ngoại vi kinh thành Huế; sách Ô châu cận lục ghi thuộc huyện Tư Vinh, đến sách Phủ biên tạp lục thì ghi thuộc tổng Vĩ Dã huyện Hương Trà. Địa bàn rất rộng, hiện tại bao gồm xã Thủy Xuân, phần lớn Phường Đúc, một phần các phường Vĩnh Ninh, Phú Nhuận, lại có đất rải rác nơi khác (Vĩ Dã, Đông Trì...). Đầu thế kỉ XIX, theo địa bạ, làng (xã) Dương Xuân đông giáp các xã Thiên Lộc (sau đổi Thọ Lộc), Phú Xuân, Dương Phẩm, An Cựu, tây giáp xã Phú Xuân và đường quan, nam giáp xã Phú Xuân, bắc giáp xã Thiên Lộc và Phú Xuân, tổng diện tích 2360 mẫu 8 sào 6 tấc 2 phân. Dưới triều Tự Đức (1848 - 1883), do sự tranh chấp ngôi tiên chỉ của hai ông thượng thư Nguyễn Hữu Bài và Lê Bá Thận, làng phải chia đôi thành thượng và hạ, lập hai hệ đình miếu, mỗi bên đều có sáu họ Lê, Nguyễn, Mai, Trương, Hồ, Phạm. Thời Khải Định (1916 - 1925), phần lớn đất được cắt nhập vào phường Đệ Cửu thành phố Huế; thời gian 1976 - 1983, Dương Xuân thuộc xã Thủy Xuân huyện Hương Thủy. Năm 1983, Ủy Ban Nhân Dân thành phố Huế quyết định cắt một phần đất phường Vĩnh Ninh hợp với một phần đất xã Thủy Xuân lập thành phường Phường Đúc.

1.2. Sự thay đổi tên gọi và địa giới hành chính phường Phú Nhuận

Phường Phú Nhuận trước khi thành lập thị xã Huế là vùng đất được thành lập từ làng Dương Phẩm và một phần của làng Dương Xuân. Hai làng này ra đời khá sớm khoảng thế kỷ XIV đến thế kỷ XVI.

Trong thế kỷ XIX, sau sự kiện thất thủ kinh đô, Huế rơi vào tay thực dân Pháp (5-7-1885), cơ cấu hành chính và bộ máy nhà nước trên đất Thừa Thiên dần dần có nhiều thay đổi. Một mặt, Pháp xây dựng hệ thống hành chính và bộ máy nhà nước thực dân các cấp để thực hiện công cuộc thống trị và bóc lột; mặt khác chúng duy trì hệ thống chính quyền phong kiến tay sai để phục vụ cho mục đích thực dân. Nhiều thị xã, thành phố mới đã ra đời và phát triển ngày càng rầm rộ theo chủ trương của chính quyền thực dân nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa và tạo môi trường thuận lợi cho công cuộc đầu tư phát triển kinh doanh của chủ nghĩa tư bản, việc xúc tiến thiết lập các khu đô thị mới trở thành vấn đề cần thiết. Vào ngày 6 tháng 9 năm Thành Thái thứ 10 (20-10-1898), dưới sự chỉ đạo và phê duyệt của Khâm sứ Trung kỳ Boulloche, Cơ Mật Viện triều đình Huế đã làm tờ trình dâng lên vua Thành Thái yêu cầu nhà vua cho phép “những nơi nào Khâm sứ Trung Kỳ và Cơ Mật Viện xét thấy cần thiết, sẽ thiết lập ở đó một đô thị. Lợi ích đô thị ấy thu nhập được là từ tất cả thuế má của địa phương mà trước đó vốn chỉ là quyền lợi của một hoặc hai làng xã, và đặt dưới sự kiểm soát của Công sứ và quan lại của tỉnh ấy”. Ngày 5 tháng 6 năm Thành Thái thứ 11 (12-7-1899), vua Thành Thái xuống dụ công bố thành lập thị xã Huế (cùng 5 thị xã khác ở miền Trung). Một ngày sau đó (13-7-1899), Khâm sứ Pháp là Boulloche phê duyệt tờ dụ của vua Thành Thái, đến ngày 30-8-1899, Toàn quyền Đông Dương ra quyết định chuẩn y. Như thế là vào giữa năm 1899, thị xã Huế được chính thức thành lập bằng cả văn bản chính quy của Nam triều và thực dân Pháp(1). Hai năm sau ngày thành lập, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định vào ngày 31-12-1901, quy định ranh giới của thị xã Huế, theo nghị định, khu vực Kinh Thành nơi đặt cơ quan đầu não của triều đình Huế không nằm trong đơn vị hành chính mới thành lập. Theo đó, ranh giới ban đầu của thị xã Huế chỉ bao gồm các vùng phụ cận quanh kinh thành, và một dải đất hẹp ở bờ nam sông Hương, dọc theo con đường sát bờ sông (về sau mang tên là Jules Ferry, tức đường Lê Lợi ngày nay), kể từ bến đò Thọ Lộc (Đập Đá) lên quá trường Quốc Học một đoạn. Phạm vi thị xã Huế theo nghị định này tuy gồm cả hai bờ sông Hương nhưng vẫn còn nhỏ bé(2). Để đáp ứng nhu cầu khai thác đô thị của tư bản Pháp, tương xứng với vị trí trung tâm chính trị của chính quyền thực dân ở Trung Kỳ, địa hạt thị xã Huế được mở rộng lần thứ nhất với tờ dụ của vua Thành Thái ngày 22-6-1903 và được Toàn quyền Đông Dương chuẩn y bằng nghị định vào ngày 3-7-1903. Trong lần mở rộng đầu tiên này, người Pháp chủ yếu mở thêm giới hạn ở phía nam sông Hương. Năm năm sau ngày mở rộng lần đầu, ngày 9-5-1908, vua Duy Tân xuống dụ và Toàn quyền Đông Dương ra nghị định chuẩn y vào ngày 24-7-1908 cho phép mở rộng địa hạt Huế lần hai. Trong lần mở rộng này, ranh giới của thị xã Huế được quy định theo hai vùng rõ rệt: Ở phía tả ngạn sông Hương, đất thuộc thị xã gồm vùng quanh Kinh Thành, được giới hạn bởi các sông đào bên ngoài đến giáp sông Hương, khu vực cồn Gia Hội được giới hạn bởi sông Hương và sông đào Đông Ba, đến ngang bến đò sang Nam Phổ. Bên bờ hữu ngạn, đất của thị xã gồm từ sông Hương chạy dọc theo sông đào An Cựu đến đường chợ Phủ Cam, cắt thêm của Phủ Thừa, qua thửa đất 8 mẫu ruộng của làng Dương Xuân và Đông Lộc, băng ngang đường thuộc địa số 1 (nay là đường Hùng Vương), chạy thẳng tới phía nam bến đò Thọ Lộc. Toàn thị xã chia ra 8 phường, từ đệ nhất đến đệ bát, theo đó Phường Đệ Bát, chiếm trọn phần đất bờ nam sông Hương của thị xã (nay là đất các phường Vĩnh Ninh, Phú Nhuận, Phú Hội, một phần của phường An Cựu và phường Trường An).



(1) Số liệu được tham khảo từ Chương IV, Mục khí hậu, từ trang 77 đến trang 107, công trình Địa Chí Thừa Thiên Huế, phần Tự nhiên do ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế chủ trì biên soạn, NXB Thuân Hóa, 2005.

(1) Xem thêm Đại Việt sử ký toàn thư (1998), NXB Khoa học Xã hội, tập 1, tr. 274 – 275.

(1) Theo Phủ biên tạp lục của Lê Qúy Đôn, NXB Khoa học, Hà Nội năm 1964: Phường Dương Phẩm thuộc Tổng Kim Long, huyện Hương Trà, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa.

(1),(2) Nguyễn Quang Trung Tiến, “Đơn vị hành chính Huế trước 1945”, Tạp chí Huế Xưa và Nay, số 35/1999. Tr. 38-39.

 

Mốc giới “Đệ bát địa phận”(1)



(1) Mốc đá “Đệ bát giới phận” hiện tại đang nằm ở góc đường Nguyễn Tri Phương và Hùng Vương thuộc phường Phú Nhuận. Đây là mốc phân định ranh giới giữa các phường trong thị xã Huế.

Ngày 4-11-1921, vua Khải Định xuống dụ định lại ranh giới của thị xã Huế lần thứ 3 và được Toàn quyền Đông Dương chuẩn y ngày 25-12-1922. Ngoài 8 phường từ Đệ Nhất đến Đệ Bát, bắt đầu có thêm phường Đệ Cửu là phần đất mới mở quanh ga Huế kéo từ cầu Nam Giao đến cầu Dã Viên. Ranh giới của thị xã Huế với các huyện ở cả hai bờ tả ngạn và hữu ngạn của sông Hương, từ đó gần như được giữ nguyên cho đến 1975(1). Vào ngày 15 tháng 10 năm Bảo Đại thứ 9 (21-11-1934), dưới sự chỉ đạo của Công sứ Thừa Thiên và Khâm sứ Trung Kỳ, Bộ Lại của triều đình đã dâng bản tấu lên Hoàng đế An Nam đề nghị lại giới hạn và sắp xếp lại các phường hiệu trong thành phố. Hai ngày sau (23-11-1934), vua Bảo Đại xuống chỉ số 41 chuẩn y chỉnh đốn thành phố Huế theo một trật tự mới, như tinh thần Bộ Lại đã tấu. Năm 1935, việc chấn chỉnh lại thành phố được tiến hành, trong đó địa giới thành phố vẫn căn cứ vào chuẩn định giới hạn của tờ dụ ngày 5 tháng 10 năm Khải Định thứ 6 (4-11-1921) và nghị định của Toàn quyền Đông Dương chuẩn y vào ngày 25-11-1921. Toàn bộ thành phố Huế được chia đặt thành 11 đơn vị hành chính, gọi là 11 phường theo những tên mới, lấy chữ Phú làm nền chung cho toàn bộ tên các phường (tức phường nào cũng bắt đầu bằng chữ Phú). Tên và giới hạn các phường trong thành phố lúc này vùng hữu ngạn sông Hương, giới hạn tim bờ sông Hương, tim sông Bình Lục (sông Như Ý), qua khu vực chợ An Cựu, qua cầu An Cựu, dọc theo đường xe lửa từ An Cựu lên cầu Dã Viên bắc qua sông Hương, có 4 phường là:

- Phường Phú Ninh: Chuyển từ một phần đất thuộc phường Đệ Bát và toàn bộ phường Đệ Cửu (nay thuộc địa phận của 4 phường: Vĩnh Ninh, Phước Vĩnh, Trường An, Phường Đúc).

- Phường Phú Vĩnh: Chuyển từ một phần đất thuộc phường Đệ Bát (nay thuộc địa bàn hai phường Vĩnh Ninh và Phước Vĩnh).

- Phường Phú Hội: Chuyển từ một phần đất thuộc phường Đệ Bát (nay là đất của phường Phú Hội và một phần đất của phường An Cựu).

- Phường Phú Nhuận: Chuyển từ một phần đất thuộc phường Đệ Bát (nay là phần đất thuộc phường Phú Nhuận(1).

Cơ cấu hành chính này kéo dài đến năm 1945. Trong giai đoạn 1945 - 1954, Cách mạng tháng Tám thành công đã dẫn đến việc xóa bỏ chính quyền thực dân, phong kiến trong phạm vi cả nước, thành lập chính quyền cách mạng từ trung ương đến tỉnh, thành phố, huyện, xã. Hệ thống ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời được hình thành khắp nơi. Sau ngày tuyên bố độc lập, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tiến hành kiện toàn lại bộ máy quản lý nhà nước, sắp xếp lại các đơn vị hành chính trong cả nước. Sắc lệnh số 77 ngày 21-12-1945 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam quy định Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Sài Gòn đều đặt làm thành phố. Dưới sự quản lý của chính quyền cách mạng, thành phố Huế được mở rộng hơn trước. Lúc này, thành phố Huế được chia làm 8 khu phố trực thuộc, cụ thể:

- Khu phố 1 và khu phố 2 gồm đất toàn bộ khu vực kinh thành Huế.

- Khu phố 3 gồm đất khu vực xung quanh Kinh thành Huế

- Khu phố 4 gồm đất toàn bộ khu vực Bãi Dâu.

- Khu phố 5 gồm đất khu vực từ Đập Đá xuống Vỹ Dạ.

- Khu phố 6 gồm đất khu vực từ Đập Đá lên vùng xung quanh sân vận động đến An Cựu (Lúc này phường Phú Nhuận thuộc khu phố 6).

- Khu phố 7 gồm đất khu vực từ cầu Trường Tiền đến cầu Dã Viên bao quanh chùa Báo Quốc và ga Huế.

- Khu phố 8 gồm vùng vạn đò thủy diện từ cầu Dã Viên về cầu Bao Vinh đến chợ Vỹ Dạ và bao quanh cồn Hến(1).

Ngày 24-01-1946, Chính phủ Lâm thời ban hành Sắc lệnh số 11/SL, công nhận thị xã Huế tổ chức thành 3 quận và 8 khu phố:

- Quận 1: Vùng Thành nội.

- Quận 2: Tả ngạn sông Hương (bờ Bắc).

- Quận 3: Hữu ngạn sông Hương (bờ Nam).

Dưới quận có 08 khu phố trong đó khu phố 6: Phú Xuân, Bình Lục, Xuân Đài, Phú Nhuận, Phú Hội.

Sau khi chiếm lại thành phố Huế, tháng 3-1947, thực dân Pháp lập nên Chính phủ quốc gia Việt Nam làm tay sai, từng bước chiếm đóng một số tỉnh miền Trung và miền Bắc, tổ chức lại các đơn vị hành chính ở vùng chiếm đóng để phục vụ công cuộc cai trị. Lúc này, thị xã Huế được Pháp tổ chức thành 21 phường, với 10 phường nội thành và 11 phường ngoại thành. Các phường ngoại thành gồm: Phú Bình, Phú Nhuận, Phú Cát, Phú Ninh, Phú Hậu, Phú Thịnh, Phú Hòa, Phú Hội, Phú Thọ, Phú Vĩnh, Phú Mỹ. Các phường nội thành gồm: Huệ An, Vĩnh An, Thuận Cát, Trung Hậu, Phú Nhơn, Tây Lộc, Tây Linh, Trung Tích, Thái Trạch, Tri Vụ(2).

Sau năm 1954, Ngô Đình Diệm đã thành lập chính phủ, theo tinh thần tờ Dụ số 57A ngày 24-10-1956 của chính phủ Việt Nam Cộng hòa, thị xã Huế là đơn vị hành chính ngang cấp với tỉnh Thừa Thiên, tuy tỉnh lỵ Thừa Thiên đặt ở Huế. Thị xã Huế được tổ chức lại, với các đơn vị hành chính cấp cơ sở là phường - vạn, gồm 22 phường và 11 vạn đò. Trong đó, khu vực nam sông Hương có 4 phường gồm: Phú Ninh, Phú Vĩnh, Phú Hội, Phú Nhuận.

Sau một thời gian tồn tại, đầu năm 1966, Hội đồng thị xã Huế đã nhóm họp và đề xuất xây dựng cấp hành chính trung gian giữa thị xã và phường - vạn là đơn vị quận. Theo biên bản Hội nghị ngày 18-02-1966 của Hội đồng thị xã Huế, có ba quận được đề nghị thành lập. Dựa trên cơ sở đó, ngày 19-6-1967, Ủy ban hành pháp Trung ương tại Sài Gòn ra nghị định số 1455 - NĐ/DUHC cho phép thị xã Huế thành lập ba quận với tên gọi và ranh giới được ấn định như sau:

- Quận Nhất: gồm toàn bộ khu vực Thành Nội (Kinh thành Huế), kể cả Mang Cá nhỏ, quản lý 11 phường nội thành.

- Quận Nhì: bao gồm khu vực bao quanh Kinh thành, khu vực cồn Gia Hội, khu vực sông nước, giới hạn bởi sông đào Kẻ Vạn, sông đào An Hòa, sông Hương kéo thẳng đến bến đò Nam Phổ, quản lý 7 phường và 11 vạn đò cơ sở.

- Quận Ba: gồm toàn bộ khu vực nam sông Hương, giới hạn bởi sông Hương, sông Bình Lục, kéo qua cầu An Cựu rồi theo đường xe lửa chạy vòng về cầu xe lửa Dã Viên trên sông Hương, giáp ranh giới với các xã Thủy Xuân, Thủy Trường, Thủy Phước, Thủy An, Thủy Phú (thuộc quận Hương Thủy) và xã Phú Hương, Phú Lưu (thuộc quận Phú Vang) của tỉnh Thừa Thiên, quản lý 4 phường còn lại của thị xã trong đó có Phú Nhuận.

Ngày 04-5-1968 Tổng trưởng Bộ Nội vụ Sài Gòn ra Nghị định số 319-BNV/NC/19 chuyển đơn vị hành chính cấp cơ sở ở thị xã Huế từ 33 phường - vạn trở thành 10 khu phố. Các phường - vạn không còn là đơn vị hành chính cấp cơ sở, mà được biên chế thành 31 khóm trực thuộc các khu phố, dưới khóm là liên gia. Như vậy, đến đây hành chính đô thị Huế được tổ chức thành ba cấp là thị xã, quận, khu phố; gồm 3 quận, với 10 khu phố cai quản 31 khóm, Trong đó: Quận Ba bao gồm 2 khu phố (cai quản 4 khóm):

+ Khu phố Vĩnh Ninh có 2 khóm mới được đổi tên từ 2 phường cũ là Phú Ninh, Phú Vĩnh.

+ Khu phố Vĩnh Lợi có 2 khóm mới được đổi tên từ 2 phường cũ là Phú Hội và Phú Nhuận(1). Như vậy, địa danh Vĩnh Lợi xuất hiện từ năm 1968.

Đến ngày 22-8-1972, Bộ Nội vụ của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa lại ra Nghị định số 553/BNV/HCDP/26-X cải danh các khu phố thành phường. Như vậy, từ thời điểm này, đơn vị hành chính cấp cơ sở của thị xã Huế không còn gọi là khu phố mà trở thành phường như trước. Mạng lưới hành chính thị xã Huế vẫn gồm 3 quận với 10 phường mới đổi tên từ 10 khu phố trước đó (trong đó có phường Vĩnh Lợi)(2) và địa giới cũng như các đơn vị hành chính cơ sở ở đô thị Huế từ đó được giữ nguyên đến năm 1975.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30-4-1975, Phường Vĩnh Lợi chia thành hai phường Phú Hội và Phú Nhuận đến tháng 8-1975 thì nhập lại thành Khu phố Vĩnh Lợi. Khu phố (phường) Vĩnh Lợi tồn tại đến năm 1995 và tách ra thành hai phường là Phú Hội, Phú Nhuận theo Nghị định 80/CP ngày 22 tháng 11 năm 1995 của Chính phủ.

Về địa giới hành chính, có thể thấy từ khi thành lập các làng, đến khi thành lập phường Đệ Bát, Phú Nhuận…thì phường Phú Nhuận rất nhiều lần thay đổi về địa giới hành chính. Sự thay đổi địa giới hành chính phần nhiều gắn liền với sự thay đổi tên gọi của phường qua các thời kỳ.

2. Thành phần dân cư:

Quá trình tụ cư và phát triển của cư dân nơi đây cũng gắn liền với công cuộc “Nam tiến” của Đại Việt qua các triều đại Lý, Trần, Hồ, Lê, thời chúa Nguyễn, Tây Sơn và Vương triều Nguyễn. Trước thế kỷ 17, cư dân Thuận Hóa - Phú Xuân phần lớn có nguồn gốc từ phía Bắc (Thanh - Nghệ - Tĩnh), qua quá trình mở cõi đã tiến dần về Thuận - Quảng, vốn là nơi đang tồn tại một nền văn hóa Chămpa rực rỡ. Tại đây, sự tiếp xúc, giao thoa văn hóa với cư dân bản địa và cư dân Việt đã diễn ra và tiếp biến theo suốt chiều dài lịch sử đã tạo nên bản sắc văn hóa riêng của vùng đất Thuận - Quảng trong lòng Đại Việt.

Về dân số, trước cách mạng tháng Tám, phường Phú Hội và Phú Nhuận có khoảng 1.500 hộ, 10.000 đến 12.000 khẩu. Trong kháng chiến chống Pháp, số dân có tăng hơn trước cách mạng tháng Tám. Đời sống của nhân dân của các thời kỳ trên chủ yếu là lao động làm thuê và buôn bán nhỏ. Trong kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt từ năm 1965 trở đi số dân tăng nhanh do chính sách lập ấp dồn dân của chính quyền Mỹ - Ngụy. Năm 1975, theo tài liệu của chính quyền ngụy để lại, số dân đến ở phường Vĩnh Lợi (Phú Hội, Phú Nhuận) có đến 3.000 hộ với 20.000 khẩu. Năm 1986, phường Vĩnh Lợi có 3.741 hộ, 20.168 nhân khẩu(1). Năm 1996, sau khi tách phường Vĩnh Lợi thành 2 phường Phú Hội và Phú Nhuận, lúc này, dân số Phú Nhuận là 10.507 nhân khẩu với 1.521 hộ. Theo thống kê mới nhất vào năm 2022, phường Phú Nhuận có 2.224 hộ với 10.501 nhân khẩu.

Bảng thống kê dân số phường Phú Nhuận giai đoạn 1975 – 2021(2)

Stt

Năm

Dân số (người)

Stt

Năm

Dân số (người)

01

1975

20.225

03

1996

          10.507

02

1986

20.168

04

2022

10.501

 

Bảng thống kê dân số và phân bố dân cư phường Phú Nhuận tháng 10 - 2021(1)

Stt

Tên tổ dân phố

Diện tích (ha)

Dân số

Hộ

Khẩu

1

Tổ dân phố 1

40.007

311

1.427

2

Tổ dân phố 2

69.948

310

1.337

3

Tổ dân phố 3

56.443

358

1.713

4

Tổ dân phố 4

75.625

356

1.754

5

Tổ dân phố 5

97.032

318

1.277

6

Tổ dân phố 6

96.280

320

1.345

7

Tổ dân phố 7

232.689

413

1.705

8

TDP Đống Đa

71.840

343

1.266

 

8 tổ dân phố

739.863

2.729

11.824

 



(1) Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế (2013), Địa chí Thừa Thiên Huế, phần Dân cư và Hành chính, Sđd, tr.289-290.

(1) Nguyễn Quang Trung Tiến, “Đơn vị hành chính Huế trước 1945”, Tạp chí Huế Xưa và Nay, số 35/1999, tr.42-44.

(1) Thành ủy Huế (1995), Sơ thảo Lịch sử Đảng bộ thành phố Huế 1945 – 1975, NXB Thuận Hóa, tr.26.

(2) Thành ủy Huế (1995), Sơ thảo Lịch sử Đảng bộ thành phố Huế 1945 – 1975, Sđd, t2, tr.26.

 

(1) Nguyễn Quang Trung Tiến: “Về cuộc cải tổ hành chính đô thị Huế thời kỳ 1965 -1968”, tạp chí Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế, số 2-1999, tr.135-136.

(2) Phần in nghiên do Ban biên soạn ghi chú

(1) Đảng ủy phường Vĩnh Lợi, lịch sử phong trào yêu nước và cách mạng phường Vĩnh lợi (1930 – 1975) (tài liệu lưu hành nội bộ), 1986.

(2) Theo tài liệu của Chi ủy Khu phố Vĩnh Lợi; Đảng ủy, UBND Phường Phú Nhuận cung cấp.

(1) Đảng ủy, UBND Phường Phú Nhuận cung cấp

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 459.072
Truy cập hiện tại 19