Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
DÙ TÁ HAY TƯỚNG ĐỀU PHẢI LO PHỤC VỤ NHÂN DÂN
Ngày cập nhật 17/03/2023

Vào khoảng tháng 7 năm 1944, một máy bay Mỹ bị quân Nhật bắn rơi ở Hòa An, Cao Bằng. Phi công Mỹ nhảy dù rơi xuống cánh rừng đã bị du kích địa phương bắt.

 

Vào khoảng tháng 7 năm 1944, một máy bay Mỹ bị quân Nhật bắn rơi ở Hòa An, Cao Bằng. Phi công Mỹ nhảy dù rơi xuống cánh rừng đã bị du kích địa phương bắt.
 
Lúc này, Mỹ ở trong phe Đồng minh chống phátxít. Phi công Mỹ được đưa đến chỗ chúng tôi. Bác gọi tôi đến, chỉ thị:
 
- Tuy ta còn thiếu thốn, nhưng các chú cố gắng cho anh ta ăn uống tương đối, cư xử tử tế, nhân đạo để họ hiểu ta.
 
Vâng lệnh Bác, chúng tôi đã làm như vậy. Phi công Mỹ được ăn với khẩu phần còn hơn cả chúng tôi.
 
Sau đó mấy ngày, Bác cho đưa anh ta đến gặp Bác. Bác hỏi chuyện bằng tiếng Anh. Người phi công vô cùng ngạc nhiên, trố mắt nhìn Bác đầy vẻ kính phục, không sao hiểu nổi ở chốn rừng núi này lại gặp được một ông già gầy guộc, mặc áo chàm với đôi mắt rực sáng lại nói tiếng Anh rất thành thạo, am hiểu phong tục nước Mỹ.
 
Sao (Shaw) - tên người phi công - tha thiết xin được thả về bộ chỉ huy Mỹ đang đóng trên đất Trung Quốc, dù có phải tốn phí đến bao nhiêu khi về nước cũng xin Chính phủ Mỹ và gia đình lo chịu.
 
Bác mỉm cười và giải thích thêm:
 
- Các anh trong quân đội Đồng minh, cùng chung một mục đích chiến đấu chống chủ nghĩa phátxít, bảo vệ hoà bình thế giới. Chúng tôi cư xử với anh như thế này là thể hiện những cam kết thiện chí chứ không phải dùng anh vào mục đích kiếm lợi.
 
Sao đã hiểu và càng kính phục, tin tưởng Bác. Sau đó, chính anh ta đã được Bác cho theo sang Côn Minh, trao lại cho Bộ Tư lệnh Mỹ.
 
... Bác ở Trung Quốc về được một thời gian, Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ điện cho Bác, xin được cử người sang để hợp tác bằng cách họ sẽ cho người nhảy dù xuống căn cứ Tân Trào.
 
Tôi lại được Bác giao nhiệm vụ đón 5 người Mỹ này. Chúng tôi đốt lửa làm ám hiệu cho máy bay biết mục tiêu. Khi họ nhảy dù xuống, chúng tôi tập hợp bộ đội hoan hô họ. Họ rất cảm động trước việc làm đó của ta.
 
Sau khi tiếp nhận 5 nhân viên tình báo quân sự Mỹ, họ đều được Bác giao nhiệm vụ.
 
Bác chỉ thị thành lập đại đội Việt – Mỹ và chỉ thị tôi làm đại đội trưởng.
 
Một người Mỹ mang hàm thiếu tá tên là Tômát làm tham mưu trưởng đại đội. Lúc đó, tôi còn nhớ là tôi rất tự hào. Tôi thưa với Bác là nếu thiếu tá làm tham mưu trưởng, thì đại đội trưởng gọi là cấp gì, nào ngờ nét mặt Bác nghiêm lại. Bác bảo:
 
- Chú phải lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt, dù tá hay tướng, đã là một chiến cách mạng cũng đều phải lo phục vụ nhân dân cho tốt cả.
 
Từ bấy đến nay tôi luôn luôn nhớ lời dạy ấy.
 
(Thượng tướng Đàm Quang Trung kể, Bích Hạnh ghi).
 
 
Nxb Chính trị quốc gia             
 
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 746.614
Truy cập hiện tại 538