Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Thừa Thiên - Huế thu hút mạnh đầu tư trong "Năm doanh nghiệp" 2017
Ngày cập nhật 09/05/2017
Dây chuyền sản xuất khép kín tại Công ty Cổ phần Dệt May Huế để tăng hiệu quả đầu tư.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có 219 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký hơn 2.871 tỷ đồng, tăng 28,8% về lượng và gấp 3,8 lần về vốn.

Tỉnh cấp mới 15 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 2.146 tỷ đồng (trong đó dự án Bến số 02 - Cảng Chân Mây của Công ty Cổ phần Cảng Chân Mây với vốn đăng ký 849 tỷ đồng cao nhất trong số 15 dự án được cấp từ đầu năm đến nay).

 

Năm 2017 là năm thứ 2 Thừa Thiên - Huế thực hiện "Năm Doanh nghiệp". Tỉnh nêu cao kỷ cương, kỷ luật hành chính, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng nhằm huy động cao nhất các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.

 

Thừa Thiên - Huế tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất và phát triển kinh tế, đảm bảo mức tăng trưởng kinh tế cao gắn với bảo vệ môi trường và đảm bảo an sinh xã hội; tập trung khắc phục sự cố môi trường biển. Tỉnh phấn đấu từ nay đến cuối năm thu hút thêm 20 dự án đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp.

 

Để đạt được các mục tiêu vừa nêu, tỉnh Thừa Thiên - Huế tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng nhằm huy động cao nhất các nguồn lực xã hội; trong đó, ưu tiên nguồn lực cho đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất và phát triển kinh tế.

 

Tỉnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, trong đó, 50% thủ tục hành chính được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trở lên; 100% thủ tục hành chính được đưa vào tiếp nhận và giải quyết theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.

 

Đảm bảo mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp về thủ tục hành chính đạt trên 80%, mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính đạt trên 80%.

 

Hiện nay, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp như: khu công nghiệp Phú Bài giai đoạn I và II đạt 98,5%; khu công nghiệp Phong Điền khu B và khu B mở rộng đạt 74%; khu công nghiệp Phú Đa đạt 42,5%.

 

Đáng chú ý, tỉnh đã nỗ lực hình thành khu công nghiệp phụ trợ dệt may Phong Điền với quy mô 400 ha. UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đang xem xét hỗ trợ đầu tư hạ tầng tại khu công nghiệp, xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung và cục bộ đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp dệt nhuộm.

 

Tại khu công nghiệp Phong Điền, tỉnh ưu tiên thu hút các dự án đầu tư có công nghệ tiên tiến, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của Liên minh châu Âu hoặc tương đương.

 

Các dự án đầu tư tại đây còn được miễn tiền thuê đất xây dựng kết cấu hạ tầng sử dụng chung; diện tích đất còn lại được miễn tiền thuê 15 năm sau thời gian xây dựng cơ bản; được vay tối đa 70% tổng vốn đầu tư từ các tổ chức tín dụng cùng nhiều ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân…

 

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đang có một số nhà đầu tư tiếp tục nghiên cứu đầu tư các dự án như dự án hạ tầng khu công nghiệp số 2 của Công ty cổ phần Thiên Hà Kameda với tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng.

 

Dự án đầu tư tổ hợp dây chuyền kéo Sợi của Công ty cổ phần Sợi Phú Quang với tổng mức đầu tư 400 tỷ đồng. Dự án khu du lịch sinh thái biển Lăng Cô của Công ty cổ phần châu Á Thái Bình Dương với tổng mức đầu tư 580 tỷ đồng./.

 

Theo Quốc Việt/TTXVN
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 748.655
Truy cập hiện tại 2