Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên
Ngày cập nhật 16/06/2023

rong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến tự phê bình và phê bình trong các tổ chức đảng, nhà nước và các đoàn thể, nhất là tự phê bình và phê bình của mỗi cán bộ, đảng viên. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người đã được Đảng ta quán triệt sâu sắc trong nguyên tắc sinh hoạt Đảng. Nguyên tắc đó cùng với nguyên tắc lãnh đạo, nguyên tắc tổ chức tạo thành một chỉnh thể thống nhất, khẳng định sức mạnh và địa vị lãnh đạo duy nhất của Đảng ta đối với cách mạng Việt Nam.

Theo Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình là một giá trị của nền văn minh, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, bởi thực chất của nó là hướng đến sự hoàn thiện của cái đẹp. Thông qua quá trình tự phê bình và phê bình mà mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức cơ sở Đảng tự giải quyết tốt mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể, giữa tập thể và xã hội. Vì vậy, tự phê bình và phê bình phải được tiến hành thường xuyên ở mọi cấp, mọi tổ chức, ở từng cán bộ, đảng viên và từng cấp uỷ, tổ chức đảng. Tổ chức cơ sở đảng là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở. Do đó, việc tự phê bình và phê bình là cốt lõi để xây dựng tổ chức cơ sở Đảng thật sự trong sạch vững mạnh, đây cũng là yêu cầu, nhiệm vụ rất quan trọng, vừa cơ bản, vừa cấp bách, lâu dài; nhưng trước hết phải tăng cường giáo dục, rèn luyện nâng cao phẩm chất năng lực, tính chiến đấu của đội ngũ đảng viên trong xây dựng tổ chức cơ sở của Đảng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Để lãnh đạo cách mạng, Đảng phải mạnh, Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”[1]. Xuất phát từ công tác xây dựng, chỉnh đồn Đảng, để Đảng không ngừng nâng cao sức mạnh chiến đấu của các tổ chức đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên.

Thời gian qua, thực hiện cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, một số cấp uỷ, chi bộ tuy đã có nhiều cố gắng trong chỉ đạo sinh hoạt tiến hành tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên, nhưng vẫn bộc lộ nhiều thiếu sót, khuyết điểm; chỉ đạo thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, chưa thành nền nếp; chậm bổ sung và hoàn thiện các quy định về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; phương pháp tiến hành còn nhiều cứng nhắc. Đó chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến khuyết điểm trong mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng hiện nay.

Ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Lễ mít tinh kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1965)

Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Nói về từng người, nể nang không phê bình, để cho đồng chí mình cứ sa vào lầm lỗi, đến nỗi hỏng việc. Thế thì khác nào thấy đồng chí mình ốm, mà không chữa cho họ. Nể nang mình, không dám tự phê bình, để cho khuyết điểm của mình chứa chất lại. Thế thì khác nào mình tự bỏ thuốc độc cho mình!”[2]. “Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ mạnh khoẻ vô cùng”[3]. Theo Bác: Mỗi tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải làm tốt tự phê bình và phê bình, phải có thái độ đúng đắn, bình tĩnh để tiếp thu ý kiến đóng góp của người khác. Tự phê bình và phê bình mục đích là làm cho mọi người đều được học tập những ưu điểm, chỉ rõ những khuyết điểm của đồng chí, đồng đội và giúp nhau sửa chữa những khuyết điểm còn tồn tại trong mỗi con người và tổ chức đảng. Bác Hồ luôn nhắc nhở: “Phê bình là cốt để giúp nhau tiến bộ. Cho nên phê bình phải có tính chất xây dựng, thẳng thắn. Không nên phê bình ẩu, phê bình suông. Khi phê bình cần phải xét nguyên nhân của khuyết điểm, phải cân nhắc đến ưu điểm, phải đề ra cách sửa chữa…”[4]. Bác viết: Dưới chế độ dân chủ, thì mọi người trước hết là mọi cán bộ, đảng viên phải thật thà tự phê bình và hoan nghênh người khác phê bình mình; có như vậy mới tiến bộ được. Bác chỉ rõ: “Một  Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”[5]. Như vậy, kết quả tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên, của mỗi tổ chức đảng mới trở thành động lực cho mọi sự phát triển, phải tạo được sự biến đổi về chất trong cán bộ, đảng viên, trong từng tổ chức đảng; sức mạnh nội sinh trong từng con người phải được hồi sinh, như cây nẩy lộc, đâm trồi, đơm hoa, kết trái. Mọi sự kìm nén, ức chế đều được giải toả, luồng sinh khí mới sẽ sưởi ấm cái tâm của mỗi cán bộ, đảng viên, để mọi người không ngừng phấn đấu, vươn lên trong hành động. Để nâng cao hiệu quả tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên, theo chúng tôi cần tập trung thực hiện tốt mấy điểm cơ bản là:

Một là, mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi tổ chức đảng cần coi trọng tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng; đối chiếu với trách nhiệm và chức trách của từng cán bộ, đảng viên trong từng tổ chức đảng để đánh giá chất lượng lãnh đạo của từng tổ chức cơ sở Đảng. Bởi lẽ, tổ chức cơ sở Đảng là trung tâm giáo dục, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, cho đến các đảng viên đã nghỉ hưu. Bác chỉ rõ: “Đảng ta là một tổ chức rất tiến bộ, đã có những thành tích rất vẻ vang. Trong Đảng ta, gồm có những người có tài, có đức. Phần đông những người hăng hái nhất, thông minh nhất, yêu nước nhất, kiên quyết, dũng cảm nhất đều ở trong Đảng ta. Chúng ta chắc chắn đi đến thắng lợi và thành công. Tuy vậy, không phải là người người đều tốt, việc việc đều hay. Trong Đảng ta chưa hoàn toàn tránh khỏi một vài kẻ vu vơ, những việc không chính đáng, như vừa kể trên”[6]. Ở đó các đảng viên cần phải được rèn luyện về phẩm chất, năng lực, đạo đức, lối sống cũng như khả năng, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (Khoá XI): “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, các cấp ủy và mọi cán bộ, đảng viên phải luôn nhận thức đúng đắn, đầy đủ sâu sắc về vai trò, tầm quan trọng của tự phê bình và phê bình trong Đảng. Từ đó, xác định rõ trách nhiệm chính trị, thái độ, động cơ và biện pháp tiến hành tự phê bình và phê bình cho phù hợp với từng tổ chức đảng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Mỗi đảng viên, mỗi cán bộ, cần phải thật thà tự xét và xét đồng chí mình, ai có khuyết điểm nào, thì phải thật thà cố gắng tự sửa chữa và giúp sửa chữa lẫn nhau. Thang thuốc hay nhất là thiết thực phê bình và tự phê bình”[7]. Mỗi cán bộ, đảng viên phải hiểu tự phê bình và phê bình là động lực phát triển của Đảng, là nguyên tắc, chế độ thường xuyên trong sinh hoạt Đảng.

Ba là, thực hiện tốt chức năng của chi bộ, chi ủy và Bí thư trong thực hiện tự phê bình và phê bình. Thực tiễn đã chứng minh rằng, nếu chi bộ, chi ủy và bí thư là trung tâm đoàn kết, là cầu nối liền giữa các đảng viên trong mỗi tổ chức đảng, có thái độ đúng đắn, công tâm trong xem xét, đánh giá, kết luận ưu điểm, khuyết điểm của từngcán bộ, đảng viên thì sẽ tạo động lực và không khí tốt; ngược lại, dễ tạo ra những tiêu cực, gây ra những thắc mắc, sự thiếu tin tưởng lẫn nhau, từ đó mà ảnh hưởng tới năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ. Cấp ủy và mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn nhận thức đúng đắn, đầy đủ sâu sắc về vai trò, tầm quan trọng của tự phê bình và phê bình trong Đảng; kiên quyết, kiên trì xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Để từ đó, xác định rõ trách nhiệm chính trị, thái độ, động cơ và biện pháp tiến hành tự phê bình và phê bình cho phù hợp với từng tổ chức cơ sở đảng.

Bốn là, thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm về nâng cao chất lượng trong tự phê bình và phê bình trong Đảng theo tư tưởng, đạo đứcphong cách Hồ Chí Minh. Cấp ủy các cấp cần có nghị quyết lãnh đạo sát, đúng đối với công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết hoạt động công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là hoạt động tự phê bình và phê bình; đánh giá đúng thực trạng chất lượng tự phê bình và phê bình, từ đó có biện pháp hướng dẫn, chỉ đạo, rút kinh nghiệm kịp thời, trong tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên trong các tổ chức Đảng.

Chi ủy và bí thư cần tiếp tục làm tốt công tác theo dõi việc tiếp thu phê bình, sửa chữa khuyết điểm của từng đảng viên sau khi họ đã tự phê bình và được góp ý, phê bình ở chi bộ. Kịp thời động viên, khuyến khích, nêu gương những đảng viên sửa chữa tốt khuyết điểm, phát huy tốt ưu điểm, vươn lên hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Đồng thời, qua công tác theo dõi, kiểm tra, giúp chi ủy và bí thư kịp thời uốn nắn những nhận thức lệch lạc, những khuyết điểm mới phát sinh trong đội ngũ đảng viên. Từ đó, đưa công tác tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên ở chi bộ vào nền nếp, có chất lượng, hiệu quả ngày càng cao.

Học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh, mỗi cấp uỷ, bí thư cần làm tốt công tác theo dõi việc tiếp thu phê bình, sửa chữa khuyết điểm của từng cán bộ, đảng viên sau khi họ đã tự phê bình và được góp ý, phê bình ở chi bộ. Cấp ủy các cấp cần có nghị quyết lãnh đạo sát, đúng đối với công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết hoạt động công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là sau khi tự phê bình và phê bình. Kịp thời động viên, khuyến khích, nêu gương những cán bộ, đảng viên sửa chữa tốt khuyết điểm, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Từ đó, thực hiện tự phê bình và phê bình ở chi bộ vào nền nếp, có chất lượng, hiệu quả ngày càng cao, góp phần thiết thực vào đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh./.

Thượng tướngTS Lê Huy Vịnh

Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 474.963
Truy cập hiện tại 62